Có nhiều người luôn mơ giấc mơ Mỹ, được sống và định cư ở nơi có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Nhưng vẫn có những người đánh đổi để thực hiện ý tưởng kinh doanh và đam mê của mình. Hãy cùng khám phá câu chuyện thành công với ý tưởng kinh doanh khiến ai cũng phải lắc đầu khi từ bỏ giấc mơ Mỹ. Chưa kịp mừng vì con trai được nhận vào làm ở công ty tài chính Merrill (Mỹ) với mức lương 50.000 USD/năm thì đột ngột bố mẹ Phan Ngọc Minh nhận được tin: “Con sẽ trở về nước mở một công ty kinh doanh… giấy vụn!”.
Câu chuyện thành công – Ý tưởng kinh doanh từ giấy vụn
Đó là một buổi tối mùa đông năm 2000, Minh mới bước sang tuổi 22 và vừa tốt nghiệp loại xuất sắc khoa quản trị kinh doanh ở Đại học Tổng hợp Virginia danh tiếng được ba tháng… “Cuối đường hầm là ánh sáng!” Ý tưởng kinh doanh những sản phẩm làm từ giấy vụn của Minh xuất hiện tình cờ khi anh trông thấy hàng trăm khách du lịch vây quanh một bức thiệp giấy ngả vàng giữa Bảo tàng New York (Mỹ). Tò mò, những buổi chiều sau đó Minh cứ quanh quẩn cái “vật lạ” ấy và tìm hiểu tại sao nó lại thu hút các du khách đến thế. “Mãi rồi cũng hiểu ra rằng nhiều người nước ngoài thích đồ kỷ niệm làm thủ công khéo léo và tinh tế” – Minh kể. Anh thử khảo sát thị trường đồ thủ công các nước và phát hiện: người Anh mỗi năm bỏ ra 3 tỉ USD để mua bưu thiếp trong các dịp lễ tết. Ở Mỹ, Úc, Nhật… con số cũng tương tự. Hơn một tuần sau Minh bỏ việc và đưa ra một quyết định…
“Đó là một quyết định khó khăn nhưng không liều lĩnh – Minh nhớ lại – Chẳng dễ dàng khi từ bỏ một công việc ổn định với mức lương cao để dấn thân vào công việc kinh doanh đầy bất trắc. Nhưng không thử thì làm sao biết mình đang đứng ở đâu”. Không vội vàng, chàng trai gốc Hà thành đi học thêm sáu tháng chuyên ngành kinh doanh các sản phẩm mang tính nghệ thuật ở Đại học Harvard. Trên đường về nước, trong cả giấc ngủ chập chờn Minh vẫn nghĩ đến những mảnh giấy vụn sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu trong tương lai. Suốt sáu tháng sau, Minh giam mình trong phòng mày mò cắt, dán, vẽ, làm thử những tấm bưu thiếp từ giấy vụn. “Nhật, Trung Quốc đã có những sản phẩm thủ công từ cách gấp hay cắt giấy. Muốn bán được thì mình phải làm khác đi” – Minh tự nhủ. “Những ngày ấy, mình như đang đi dưới đường hầm và dò dẫm lối ra. Càng đi càng sâu hun hút, càng đi…”, Minh kể. Thế rồi ánh sáng lộ ra ở phía cuối đường hầm. Linh Đăng – người bạn thân thời phổ thông, tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế – giúp Minh một tay khi sáng tạo thành công những mẫu bưu thiếp phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Năm 2003, Công ty TNHH Nhật Nguyệt (Sun & Moon) của Minh ra đời. Thổi hồn vào giấy Cuối năm 2003, có trong tay những sản phẩm đầu tiên, Minh mạnh dạn đem chào hàng ở hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại San Francisco. Điều bất ngờ đã xảy ra: hơn 500 tấm thiệp làm từ giấy vụn (giá 1 USD/tấm) hết veo trong một ngày. Lục tìm trên mạng, Minh có trong tay danh sách 2.000 công ty chuyên kinh doanh bưu thiếp và quà tặng từ giấy. Gửi đi 2.000 email kèm mẫu sản phẩm và đơn chào hàng, chờ đợi hằng tháng nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ 30 công ty. “Họ nói rất thích những tấm thiệp tinh tế và khéo léo được làm thủ công từ giấy. Nhưng họ hỏi liệu có cạnh tranh được với những mặt hàng cũ không?” – Minh kể. Lập tức, Minh gửi email trả lời 30 thư để rồi nhận được… một đơn đặt hàng trị giá 1.000 USD từ một công ty ở Anh. Lô hàng xuất khẩu bưu thiếp từ giấy vụn đầu tiên của Minh tìm được khách hàng. Hàng bán nhanh gấp đôi các loại thiệp khác, đối tác của Minh gật gù: “Anh sẽ nhận thêm các đơn đặt hàng khác chứ?”. Các sản phẩm từ giấy vụn của Minh ngày càng đa dạng, từ bưu thiếp đến tranh treo tường hay những vật dụng tinh xảo như hộp đựng trà, đựng thuốc. Có những sản phẩm phức tạp gồm rất nhiều chi tiết giấy ghép lại. Thị trường cũng dần rộng hơn, khách hàng từ châu Âu như Anh, Đức hay châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tìm đến với những đơn đặt hàng lớn. Nhiều khách hàng nhận xét: “Những sản phẩm từ giấy vụn vừa đẹp vừa rẻ lại mang sự tài hoa và có hồn của người làm ra chúng”. Xưởng sản xuất của Minh ở Phú Xuyên (Hà Tây) luôn có 150 người làm, lúc nào cũng rộn ràng khách đến…
Theo Tuổi Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét