Là một trong 92 doanh nhân điển hình năm 2006 với nhiều thành tích kinh doanh vượt trội, chị Lai Kim, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân, đã chứng minh rằng làm giàu trên đất Việt không khó.
Sự tự tin ẩn sau đôi mắt một mí đặc trưng của người Hoa, dễ khiến người đối diện có cảm giác rằng đây là người phụ nữ có khả năng chu toàn mọi việc
Trước khi gặp được chị Lai Kim, “thủ tục đầu tiên” mà tôi phải thực hiện là tiếp chuyện với chồng chị, anh Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Tân.
Không phải vì anh chuyên quyền, gia trưởng như hình ảnh quen thuộc của các đấng phu quân trong gia đình người Hoa mà chỉ vì chị Lai Kim là một người rất kiệm lời khi nói về bản thân.
Không phải vì anh chuyên quyền, gia trưởng như hình ảnh quen thuộc của các đấng phu quân trong gia đình người Hoa mà chỉ vì chị Lai Kim là một người rất kiệm lời khi nói về bản thân.
“Trước khi là doanh nhân, tôi là một người vợ”
Chị Lai Kim vẫn thường tự giới thiệu bằng những từ ngữ khiêm tốn như vậy. Xuất thân trong một gia đình thầy thuốc người Hoa, từ nhỏ, chị đã được giáo dục theo kiểu mẫu của một cô gái Trung Hoa truyền thống.
Tuy nhiên, may mắn, gia đình chị không có cái nhìn trọng nam, khinh nữ nên Lai Kim có điều kiện tham gia nhiều công tác xã hội. Sau 3 năm đứng trên bục giảng trường cấp 2 Phạm Văn Hai, Q.11- TPHCM, chị theo chồng, cũng là người bạn thân thiết suốt những năm cắp sách đến trường, chung tay gầy dựng lại cơ nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giày dép, quần áo… mà mẹ mình đã kinh doanh
Giã từ bảng đen, phấn trắng nhưng trong chị tình yêu dành cho trẻ thơ vẫn nguyên vẹn. Những lần đi công tác nước ngoài, nhìn trang phục dành cho trẻ em nơi xứ người nhiều và đẹp mắt, chị thích mê nên lần nào cũng mua quần áo về làm quà.
Gom góp số vốn tích cóp từ những ngày làm việc tại công ty gia đình, cùng với sự hỗ trợ của chồng, chị quyết định mở một công ty dệt may các sản phẩm dành cho “thượng đế nhí”.
Đánh đúng nhu cầu người tiêu dùng nên công việc của chị khá thuận lợi. Lai Kim lại mạnh dạn tìm đường đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Nhờ những họa tiết thêu tay tinh xảo của Việt Nam, các sản phẩm của chị nhanh chóng được thị trường thế giới chấp nhận.
Vừa đảm đương công việc của mình, chị Lai Kim còn chung vai gánh với chồng điều hành Công ty TNHH Bình Tân. Chị khoe: “Có ông xã đứng phía sau, tôi tự tin hơn rất nhiều”.
Đánh giá sự phát triển của thị trường Việt Nam, chị tỏ ra rất tự tin: “Điều kiện kinh tế, nhân công và các chính sách hỗ trợ ngày một nhiều cho thấy, việc làm giàu của cộng đồng người Hoa trên đất Việt là không khó. Chỉ cần cố gắng và nắm bắt được thị trường, bất cứ ai cũng có thể thành công”.
Sợ lạc hậu vì không cố gắng.- Đã bước vào tuổi tứ tuần, nhưng đối với Lai Kim, chị vẫn nỗ lực để tự bổ khuyết cho mình. Mỗi sáng, chị cố gắng dậy sớm hơn 1 giờ, ngồi vào bàn làm việc, gò mình học từng từ vựng Anh ngữ. “Giới trẻ bây giờ năng động lắm, tôi không muốn mình tụt hậu vì thế phải cố gắng”- chị nói.
Những năm đầu mở rộng quy mô, đưa sản phẩm Nhật Tân ra thị trường nước ngoài, chị gặp không ít lần khốn đốn. Nhân công tăng, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều nên hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã không thể hoàn thành.
Trong khó khăn, chị không ngừng động viên mình, động viên đồng nghiệp cố gắng đẩy mạnh sản xuất cho kịp tiến độ, khắc phục những sai sót trong sản xuất. Giai đoạn đó, không ít lần, Lai Kim đã phải đích thân đàm phán, nhận khuyết điểm với đối tác để tìm sự cảm thông. Chị nhớ lại: “Sự chân thành trong kinh doanh lúc ấy đã khiến cho các đối tác hiểu và cho chúng tôi cơ hội để khắc phục sai lầm”.
Bài học trong những ngày khó khăn ấy đã giúp chị vững bước hơn trong công việc điều hành. Nắm được đặc trưng của ngành dệt may là sự bất ổn định của nhân công, chị Lai Kim đã có nhiều chính sách chăm sóc để công nhân ổn định đời sống. “Xích lại gần công nhân” là bí quyết để người phụ nữ này quản lý được hơn 800 con người của 16 chuyền sản xuất.
Theo Lao động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét